Chức năng của Thượng viện Hoa Kỳ Thượng_viện_Hoa_Kỳ

Chức năng lập pháp

Các dự luật có thể được giới thiệu cả tại Thượng hay Hạ viện. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng "Tất cả các dự luật nhằm tăng tiền thuế thu nhập phải bắt đầu từ Hạ viện." Kết quả là Thượng viện không có quyền đưa ra sáng kiến về các dự luật ấn định mức thuế. Hơn nữa, Hạ viện cũng muốn bảo đảm rằng Thượng viện không có quyền khởi sự các dự luật về chi tiêu của chính phủ hay các dự luật cho phép chi tiêu ngân quỹ liên bang. Trong lịch sử, Thượng viện đã từng tranh chấp sự dẫn giải mà Hạ viện chủ trương. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Thượng viện khởi sự một dự luật về chi tiêu thì Hạ viện từ chối xem xét nó ngay, qua đó giải quyết được sự tranh chấp trong thực tế. Luật định của Hiến pháp ngăn cản Thượng viện giới thiệu các dự luật thu thuế là dựa theo Quốc hội Vương quốc Anh, theo đó Hạ viện Vương quốc Anh mới có thể khởi sự những dự luật như vậy.

Mặc dù Hiến pháp cho Hạ viện quyền khởi sự các dự luật thu thuế nhưng trong thực tế Thượng viện ngang bằng Hạ viện trong các mối quan tâm về thuế và chi tiêu. Như Woodrow Wilson có viết:[9]

Quyền sửa đổi các dự luật của Thượng viện về chi tiêu tổng quát được cho phép trong phạm vi rộng rãi nhất như có thể. Thượng viện có thể thêm vào những gì họ muốn; có thể thay đổi hết các chi tiết gốc và mang vào các chi tiết khác hoàn toàn mới, thay đổi không chỉ các con số mà thậm chí cả đối tượng chi tiêu,...

Việc chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện là bắt buộc đối với bất cứ dự luật nào, bao gồm dự luật về thu thuế, để chúng trở thành luật. Cả hai viện phải thông qua cùng phiên bản giống như của dự luật; nếu có khác biệt, chúng có thể được giải quyết bởi một ủy ban hội nghị mà trong đó có cả thành viên của hai viện.

Tổng thống có thể phủ quyết bất cứ dự luật nào mà cả Hạ viện và Thượng viện thông qua; nếu Tổng thống làm vậy thì dự luật không thể thành luật cho đến khi cả hai viện xem xét lại và với 2/3 đa số phiếu tại mỗi viện để giúp thông qua dự luật đó bất chấp sự phản đối của Tổng thống.

Kiểm tra và cân bằng quyền lực

Hiến pháp cho Thượng viện một số chức năng có một không hai là khả năng "kiểm tra và cân bằng" quyền lực của các thành phần khác trong chính phủ liên bang. Khả năng này gồm có quy định bắt buộc rằng Thượng viện có quyền tư vấn và Thượng viện phải ưng thuận đối với một số bổ nhiệm viên chức chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ; cũng như Thượng viện phải phê chuẩn tất cả các hiệp ước với các chính quyền ngoại quốc; xét xử tất cả các vụ luận tội, và bầu Phó Tổng thống Hoa Kỳ trong trường hợp không có ai nhận đa số phiếu đại cử tri.

Thượng viện có quyền xét xử các vụ luận tội; hình ở trên là hình vẽ của Theodore R. Davis về cuộc xử luận tội Tổng thống Andrew Johnson, 1867.

Tổng thống có thể thực hiện một số bổ nhiệm mà chỉ cần có sự tư vấn và ưng thuận của Thượng viện. Các viên chức được bổ nhiệm cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện gồm có thành viên nội các, lãnh đạo của đa số các cục hành pháp liên bang, đại sứ, thẩm pháp Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và các thẩm phán liên bang khác. Theo Điều II, Phần 2 Hiến pháp Hoa Kỳ, một số lớn các vụ bổ nhiệm của chính phủ đều lệ thuộc vào sự phê chuẩn tiềm tàng; tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cho phép bổ nhiệm nhiều viên chức mà không cần phải có sự ưng thuận của Thượng viện (thường thường, các quy định đòi hỏi sự phê chuẩn chỉ dành cho các viên chức có thẩm quyền ra quyết định tối hậu quan trọng). Thông thường, một ứng viên trước tiên được giới thiệu trước một ủy ban Thượng viện trong một cuộc điều trần. Sau đó, ứng viên này sẽ được xem xét bởi cả Thượng viện. Đa số ứng viên được phê chuẩn, ngoài một số nhỏ trường hợp hàng năm các Ủy ban Thượng viện cố tình không xem xét để ngăn cản sự bổ nhiệm. Cũng đôi khi Tổng thống Hoa Kỳ tự rút lại các ứng viên khi họ trông có vẽ khó được phê chuẩn. Vì lý do này, việc bác bỏ thẳng thừng các ứng viên tại Thượng viện rất hiếm khi thấy (có chỉ 9 ứng viên nội các bị bác bỏ thẳng thừng trong lịch sử Hoa Kỳ).

Tuy nhiên quyền lực của Thượng viện đối với các ứng viên cũng bị một số hạn chế. Thí dụ, Hiến pháp cho phép Tổng thống Hoa Kỳ có thể bổ nhiệm viên chức mà không cần phải có sự tư vấn hay ưng thuận của Thượng viện trong lúc Quốc hội Hoa Kỳ không nhóm họp. Việc bổ nhiệm lúc Quốc hội không nhóm họp chỉ có giá trị tạm thời; văn phòng này lại bị bỏ trống vào cuối kỳ họp tới của Quốc hội. Tuy vậy, các Tổng thống Hoa Kỳ vẫn thường hay dùng cách bổ nhiệm này để đối phó với việc Thượng viện có thể bác bỏ ứng viên. Hơn nữa, như vụ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xử vụ Myers đối đầu với Hoa Kỳ, mặc dù việc tư vấn và ưng thuận của Thượng viên là bắt buộc đối với việc bổ nhiệm một số viên chức ngành hành pháp nhưng tước chức vụ của họ là không cần thiết.[10]

Thượng viện cũng có một vai trò trong tiến trình phê chuẩn của hiệp ước. Hiến pháp có nói rằng Thổng thống Hoa Kỳ có thể chỉ phê chuẩn một hiệp ước nếu 2/3 số thượng nghị sĩ biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, không phải tất cả các thỏa thuận quốc tế được xem là hiệp ước, và vì vậy không cẩn đến sự chấp thuận của Thượng viện. Quốc hội đã thông qua luật cho phép Tổng thống quyền quyết định các thỏa ước hành chính mà không cần hành động của Thượng viện. Tương tự, Tổng thống có thể thực hiện những thỏa thuận liên quan đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ nếu được chấp thuận với một đa số đơn giản tại mỗi viện của Quốc hội, hơn là phải cần đến 2/3 đa số phiếu tại Thượng viện. Cả những thỏa thuận hành chính và thỏa thuận liên quan đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đều không được nhắc đến trong Hiến pháp Hoa Kỳ, dẫn đến việc người ta nghi ngờ rằng chúng bất hợp hiến làm hỏng tiến trình phê chuẩn hiệp ước. Tuy nhiên, giá trị của các thỏa thuận như vậy đã đứng vững tại các tòa án.[11]

Hiến pháp cho quyền Hạ viện Hoa Kỳ luận tội các viên chức liên bang vì lý do "phản quốc, hối lộ, hoặc các tội đại hình và tội phi pháp khác" và cho phép Thượng viện quyền xử những vụ luận tội như thế. Nếu Tổng thống Hoa Kỳ hiện thời bị xét xử, Thẩm phán trưởng Hoa Kỳ chủ tọa phiên xử. Trong bất cứ vụ xử luận tội nào, các thượng nghị sĩ được hiến pháp yêu cầu đến chứng kiến lời thề hoặc xác nhận lời khai. Để kết án trong một vụ luận tội cần phải có 2/3 đa số các thượng nghị sĩ có mặt. Viên chức bị kết án sẽ tự động bị sa thải khỏi chức vụ đang giữ; ngoài ra, Thượng viện có thể quy định rằng bị cáo đó sẽ bị cấm giữ chức vụ trong tương lại. Không có hình phạt nào khác nữa được phép đưa ra trong suốt thời gian tiến hành luận tội; tuy nhiên, bị cáo có thể đối diện với các hình phạt khác tại một tòa án luật pháp bình thường.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, Hạ viện đã luận tội 16 viên chức trong đó 6 viên chức bị kết tội (một từ chức trước khi Thượng viện có thể tiến hành xử tội.)[12] Chỉ có hai Tổng thống Hoa Kỳ từng bị luận tội: Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Cả hai vụ xử kết thúc bằng việc tha bổng; trong trường hợp của Tổng thống Johnson, Thượng viện thiếu một phiếu để được 2/3 đa số để kết tội.

Theo Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ, Thượng viện có quyền bầu Phó Tổng thống Hoa Kỳ nếu như không có ứng cử viên Phó Tổng thống nào nhận được đa số phiếu đại cử tri. Tu chính án 12 đòi hỏi Thượng viện chọn lựa từ hai ứng cử viên có số phiếu đại cử tri cao nhất. Sự bế tắc không thể quyết định được đối với đại cử tri đoàn thì rất hiếm; trong lịch sử Hoa Kỳ, Thượng viện phải giải quyết sự bế tắc như thế chỉ có một lần vào năm 1837 khi Thượng viện bầu cho Richard Mentor Johnson. Quyền bầu Tổng thống Hoa Kỳ trong trường hợp bế tắc của đại cử tri đoàn thuộc trách nhiệm của Hạ viện.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thượng_viện_Hoa_Kỳ http://www.aggdata.com/political/us-senators http://www.merriam-webster.com/dictionary/senate http://www.law.cornell.edu/uscode/2/1.html http://www.law.cornell.edu/uscode/uscode05/usc_sec... http://www.hs.ttu.edu/research/reifman/senatedata.... http://dca.tufts.edu/features/aas http://digital.library.unt.edu/govdocs/crs/search.... http://bioguide.congress.gov/biosearch/biosearch.a... http://www.gpoaccess.gov/riddick/index.html http://rules.senate.gov/senaterules/